Phong tục tang lễ Việt Nam là một nét đẹp trong truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Theo truyền thống, tang lễ được xem là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự chuyển tiếp của người đã khuất sang một thế giới khác.
Trong quá trình diễn ra lễ tang, người thân của người chết và ba con, bạn bè đều đến cúng viếng, chia buồn với tấm lòng thành kính sâu sắc nhất. Có câu “nghĩa tử là nghĩa tận” cũng xuất phát từ đó mà ra.
Phong tục tang lễ là sự kết hợp của tín ngưỡng tôn giáo và truyền thống văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của người Việt.
Tang lễ là gì?
Tang lễ, hay còn gọi là đám tang, là một trong những nghi thức quan trọng của văn hóa người Việt. Nó bao gồm nhiều bước và quy trình được thực hiện bởi những người còn sống đối với người vừa qua đời.
Tuy nhiên, cách tổ chức tục tang ma lại khác nhau ở từng dân tộc trên toàn đất nước Việt Nam. Mỗi dân tộc có những nghi lễ và quan niệm riêng, tuy không nhiều nhưng đều có những bước cơ bản tương đối giống nhau, dù là ở người Kinh hay các dân tộc thiểu số khác.
Tổng quan về phong tục tang lễ Việt Nam
Trình tự từng bước trong đám tang ngày xưa của người Việt thường bao gồm nhiều quy trình và nghi lễ. Trước tiên, người chết được tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới, rồi đặt một chiếc đũa giữa hai hàm răng và bỏ một dúm gạo cùng ba đồng xu vào miệng, gọi là lễ ngậm hàm.
Sau đó, người mới chết được đặt trên chiếu trải sẵn dưới đất, vì theo quan niệm “từ đất sinh ra lại trở về với đất”. Tiếp theo là lễ khâm liệm bằng vải trắng và lễ nhập quan đưa thi hài vào quan tài (hòm).
Con trai, con gái, con dâu và họ hàng của người quá cố sẽ đội khăn sô, mũ chuối hoặc mũ tết bằng rơm và mặc áo sô để tang. Những ngày quàn người mới chết trong nhà đều phải cúng cơm sớm, chiều và tiếp đón bà con, bạn bè, làng xóm đến viếng.
Sau khi chọn được ngày, giờ tốt, người thân sẽ làm lễ đưa tang. Đám tang sẽ có câu đối, linh sàng, nhà táng.
Người đưa tang đi sau linh cữu, dọc đường có rắc vàng thoi (bằng giấy). Đến huyệt sẽ làm lễ hạ huyệt và đắp mộ. Sau khi chôn cất xong, người thân sẽ về nhà để làm lễ tế.
Ba ngày sau khi kết thúc đám tang tang chủ sẽ được làm lễ viếng mộ (lễ mở cửa mả), 49 ngày sau làm lễ chung thất (thôi cúng cơm cho người mới chết), sau 100 ngày làm lễ tốt khốc (thôi khóc).
Sau một năm làm lễ giỗ đầu (Tiểu Tường), sau ba năm (ở nhiều nơi là hai năm) làm lễ hết tang (Đại Tường). Tuy nhiên, các nghi thức trong tang lễ ở từng dân tộc khác nhau trên toàn quốc có sự khác biệt nhất định, mặc dù đều có những bước cơ bản tương đối giống nhau ở các người Kinh cũng như các dân tộc thiểu số khác.
Quy trình thực hiện phong tục tang lễ người Việt Nam
Đây là quy trình chung chung, nó có thể đúng hoặc không đúng vì mỗi vùng miền sẽ có một số tục lệ hơi khác nhau một chút. Nhưng hầu như đều tuân theo quy trình tang lễ ngay sau đây:
1. Thông báo và chuẩn bị tang lễ:
Giai đoạn đầu trước khi bắt đầu tang lễ, người người thân mới mất hoặc đang trong giai đoạn hấp hối thì người thân trong gia đình sẽ tiến hành thông báo cho bà con xa gần, bạn bè thân hữu gần xa về sự việc người nhà đã mất.
2. Lễ mộc dục (tắm rửa):
Người thân sẽ tắm rửa sạch sẽ cho người đã mất bằng nước lá thơm hoặc rượu, sau đó cắt móng tay và móng chân. Móng này sẽ được gói kín và đặt vào quan. Người thân sẽ mặc bộ quần áo trắng chuẩn bị từ trước, nếu người đã mất quy phật thì sẽ mặc bộ quần áo có in dấu của nhà Phật gọi là lục phù.
Người thân sẽ đặt hai ngón chân cái của người đã mất lại với nhau, hai tay để lên bụng, bỏ vào miệng người đã mất một ít gạo sống và một ít tiền lẻ dùng đũa ăn cơm hàng ngày để ngáng miệng người mất. Sau đó, người thân sẽ phủ lên mặt của người đã mất một tờ giấy hoặc một mảnh vải trắng.
3. Lập bàn thờ vong
Đặt một chiếc ghế con phía trên đầu giường, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có một số địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, có thể là để trừ tà ma hoặc quỷ nhập tràng. Tất cả những điều này được coi là giúp cho linh hồn của người mất được an vui và có đủ thức ăn và đồ dùng trong cuộc hành trình tiếp theo của họ.
Thắp một ngọn đèn dầu hoặc một ngọn nến ở đầu giường, con cái và cháu chắt sẽ thay nhau túc trực không để chó, mèo hoặc chuột nhảy qua.
Theo quan niệm của dân gian, nếu có mèo nhảy qua sẽ làm cho hồn nhập trở lại xác, người mất sẽ ngồi dậy và người nhà phải tìm một thầy cúng cao tay đến để làm lễ, niệm thần chú thì xác mới nằm xuống được.
Sau khi người thân báo cho họ hàng gần xa biết và xem giờ để làm lễ khâm niệm, những đồ tiếp xúc với người mất hàng ngày như quần áo, giầy dép, giường, chiếu sẽ phải được đem thả trôi sông hoặc đốt hết đi.
Nếu người chết không có bệnh tật thì một số đồ dùng tốt sẽ được con cái cháu chắt sử dụng lại vì họ quan niệm dùng đồ đó sẽ được phù hộ. Đặc biệt, khi người già đang hấp hối thì con cháu không được khóc tránh để nước mắt rơi vào thì hài vì như vậy người chết ra đi sẽ không thanh thản.
4. Lễ phạn hàm (tùy nơi)
Lễ này tuy đã được cắt bỏ ở rất nhiều nơi, nhưng nó vẫn từng là một công đoạn trong nghi thức tang lễ của người Việt xưa.
Lễ này như sau: Lấy ít gạo và vài đồ lặt vặt, sau đó tang chủ và người chấp sự quỳ xuống, cáo từ rằng “nay xin phạn hàn, phục duy hâm nạp”.
Người chấp sự sau đó xướng theo lời tang chủ và tang chủ sẽ xúc từng ít gạo và đồng tiền, sau đó tra vào miệng bên phải, trái và giữa. Cuối cùng tang chủ bóp mồm lại và phủ mặt. Lễ này có mục đích tiễn vong hồn đi đường xa và tránh tà ma ác quỷ cướp đoạt.
5. Khâm liệm
Trong thời gian diễn ra đám tang Việt Nam, việc tiến hành khâm liệm và chuẩn bị quan để an táng người chết là rất quan trọng. Đây là một công đoạn rất quan trọng trong tang lễ, quan tài được coi là nơi chứa đựng linh hồn của người mất, và việc sắp đặt quan (hòm) có thể ảnh hưởng đến phần âm và tương lai của người mất và gia đình.
Sau khi kèn trống được nổi một hồi dài để thông báo cho mọi người biết về sự kiện, người ta bắt đầu tiến hành khâm liệm. Trước khi bỏ người mới chết vào quan, người khâm liệm sẽ bỏ khăn che mặt và đũa ngáng miệng ra để kiểm tra xem người chết đã thật sự qua đời chưa.
Sau đó, người tà sẽ dùng vải trắng gói người mất lại, đặt gáy được gối lên hai chiếc bát úp. Điều quan trọng là không được để bất kỳ lỗ hở nào khi gói người chết vào quan, vì nếu có thể dễ dàng để tà ma ác quỷ xâm nhập và ảnh hưởng đến linh hồn của người mất.
Phong tục khâm liệm và sắp xếp quan tài không thể thiếu việc bỏ một bộ chắn vào quan tài để đảm bảo khủ trùng và để tre chở cho người mất. Đối với người mất mắc bệnh, người ta sẽ cho trè vào quan tài để hút ẩm và khử mùi, hoặc sử dụng đá khô để giảm thiểu sự phát tán mùi hôi.
Tất cả những điều này đều được coi là những thủ tục quan trọng trong phong thủy để đảm bảo linh hồn của người mất được an nghỉ, đồng thời bảo vệ gia đình khỏi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xấu.
6. Nhập quan
Trong quy trình đám tang, lễ nhập quan cũng rất quan trọng. Lễ nhập quan là nghi thức đưa thi thể người quá cố vào quan tài. Trước khi đặt thi hài vào quan tài, thầy cúng sẽ thắp hương và khấn vái để cầu mong linh hồn được siêu thoát.
Sau đó, “thủ tục phát mộc” sẽ được tiến hành bằng cách sử dụng dao để chặt vào bốn góc của quan tài, nhằm đuổi đẩy các tà ma và quỷ dữ. Trong lúc này, cháu con của người quá cố sẽ mặc tang phục đứng hai bên quan tài và từ từ đặt thi hài vào trong quan tài.
Ngoài ra, người ta sẽ dùng ba sợi dây mây để cột thành ba vòng khác nhau xung quanh quan tài và để một bát nước dưới quan.
7. Gọi hồn
Theo quan niệm người xưa, để có thể đưa hồn về nhập quan thì người thầy cúng sẽ thường làm lễ gọi hồn bằng cách cầm áo người mất ra sân hoặc ngoài đường và quay về bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau đó sẽ gọi “ba hồn bẩy vía”, đàn bà sẽ gọi “ba hồn chín vía”.
Sau đó, họ sẽ bỏ áo người mất vào quan tài, cho rằng hồn đã về nhập quan. Người ta tin rằng khi người mất đi, hồn vía sẽ đi lang thang khắp không trung, vì vậy phải làm lễ này và khấn để thông báo lên thiên đình rằng trần gian có người quy tiên để ghi vào sổ thiên tào.
8. Lễ thành phục
Con cháu của người quá chết sẽ được làm lễ để mặc áo tang đứng bên cạnh bài vị và đáp lễ khi khách đến viếng tang. Trước khi diễn ra lễ thành phục, nếu có khách đến thăm viếng, người chủ tang sẽ không tiếp khách mà sẽ có người hộ tang thay mặt để tiếp đón khách và thông cảm với họ.
Sau khi lễ thành phục được tổ chức, sẽ chính thức phát tang cho khách tham gia. Sau đó, người thân và bạn bè của người quá cố sẽ đến phúng viếng và chia sẻ nỗi đau cùng gia đình.
9. Phát tang để mọi người biết
Lễ phát tang là một trong những nghi thức quan trọng để tôn vinh linh hồn người đã khuất và giúp cho họ có thể yên nghỉ trong bình an. Trong quá trình làm lễ, chủ lễ cần chuẩn bị đầy đủ số lượng khăn tang và mũ mấn tương ứng với số lượng con cháu.
Những người con cháu phải chăp tay quỳ khấn ở dưới trong khi lễ đang diễn ra. Sau khi lễ kết thúc, con trưởng sẽ phát khăn và áo cho mọi người, trong khi khăn tang của người vắng mặt sẽ được để lại trên mâm.
Quy định về cách thức phát tang cũng được đề ra rõ ràng. Khi tang cha mẹ, thì số khăn tang phải thắt sổ mối và bố, mẹ của hai bên có người còn sống thì sẽ thắt hai dải khăn dài ngắn khác nhau, bằng nhau nếu đã mất hết.
Đối với vợ để tang chồng, cũng thắt khăn sổ mối nhưng sẽ thắt một dải dài và một dải ngắn, trong khi chồng để tang vợ chỉ cần quấn khăn vòng quanh đầu. Con cháu sẽ quấn khăn trắng quanh đầu thành vòng tròn, chắt thì khăn vàng và quấn thêm một ít khăn đỏ. Trong suốt thời gian diễn ra đám tang, luôn có một số con cháu túc trực cạnh quan tài hờ khóc để tôn vinh linh hồn người đã khuất.
Tóm lại, lễ phát tang là một trong những nghi thức quan trọng trong đám ma, giúp cho người đã khuất có thể yên nghỉ trong bình an. Cách thức phát tang cũng được đề ra rõ ràng để đảm bảo tính thẩm mỹ và tôn trọng về mặt tâm linh.
9. Nghi thức tổ chức tang gia
Trước đây có lễ Chiêu tịch diện, ám chỉ cúng cơm ba bữa mỗi ngày và đánh răng, rửa mặt, đem đồ ăn từ giường người mất đến linh tọa. Tuy nhiên, nay lễ này đã không còn áp dụng vì quá cầu kỳ. Trong lễ cúng cơm, người con trai thường dâng trà, rượu và cơm thịt trước linh tọa.
Trong nhà đám, đội kèn giải sẽ đến để đánh trống, thổi sáo, kéo đàn và ngân nga kể lể theo tâm sự của người đã thuê giải.
Ở miền Bắc, họ hàng người cùng hội tương tế và hội đồng hương sẽ đến tế lễ chia buồn.
Khách khứa, họ hàng gần xa, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu sẽ đến phúng viếng chia buồn và thực hiện nghi thức lạy tạ tùy theo mối quan hệ.
Một số gia đình ở thành phố lớn không có nơi chôn cất hoặc cử hành đám ma thì có thể tìm đến các nghĩa trang cung cấp dịch vụ, hoặc nhà tang lễ để được giúp đỡ. Hiện nay, hầu hết các nghi thức hay vật phẩm cúng đều có các dịch vụ sẵn sàng cung cấp. Ví dụ: Dịch vụ làm mồ mã, dịch vụ nấu nướng, hay dịch vụ trống kèn,… vì vậy cũng khá tiện lợi nếu gia đình có quá ít người.
10. Tế cơm
Ngày hôm sau, gia đình đã chuẩn bị bát cơm, trứng, đĩa muối và chén nước lã để dâng lên bàn thờ vong một cách lần lượt.
11. Nghi lễ động quan, di quan:
Trong văn hóa người Việt, tiễn đưa người mới chết được coi là một trong những nghi thức trọng đại, bao gồm nhiều lễ nghi và tập quán. Trước ngày động quan, nhiều gia đình sẽ tổ chức đêm không ngủ, các con cái, dâu rể tề tựu bên áo quan suốt đêm, với ý nghĩa tưởng nhớ người mất. Phường nhạc bát âm kèn giải cũng đôi khi ở lại khóc mướn cho tang gia.
Trong lễ chuyển cửu, người ta xoay quan tài một vòng, và nếu nhà chật hẹp thì người ta rước hồn bạch (nay là di ảnh) đi quanh nhà, với cốt ý cho hồn ma không nhớ đường về nhà nữa.
Ngày động quan, di quan còn gọi là “ngày phát dẫn”. Cha mất, con trai chống gậy tre, mẹ mất chống gậy vông, nếu con trưởng không có nhà thì cháu đích tôn, nếu cả hai không có mới đến con thứ.
Ngoài ra một số vùng có tục khác, con trai cả sẽ là ngưỡng bưng lư hương (tượng trưng cho hồn người quá cố), con trai thứ sẽ là người bưng ảnh thờ di chuyển trước đoàn người khiêng quan đi.
Trong ngày di quan, nhà đòn hay còn gọi là “Cái” rất quan trọng, bởi họ là vai chính trong lễ động quan, di quan, nên tang gia rất coi trọng họ. Trước khi động quan, tang gia phải có những tờ bạc lớn dằn dưới ly rượu đầy, trước nóc áo quan, nhằm tưởng thưởng cho các đạo tỳ khi khiêng quan tài mà không bị đổ rượu, ý muốn để người chết không bị động mà ra đi suôn sẻ.
Vùng Nam Bộ nhiều nhà đòn còn tô chức “hát đưa linh”. Nghi lễ này thường diễn ra trong lúc động quan, di quan, gồm một nhân quan chỉ đạo, và từ 8 đến 10 đạo tỳ (người khiêng áo quan). Họ vừa thắp nhang trước linh cửu người chết xong, nhân quan cùng đạo tỳ liền múa may theo điệu hát bộ, và hát hò bằng câu chuyện “chàng Lia cướp quan tài”. Vừa hát vừa động quan rồi đến.
12. Lễ hạ huyệt tại nghĩa trang
Theo quan niệm xưa, việc đắp mộ cho người đã qua đời là một trong những nghi lễ quan trọng trong đám tang. Huyệt thường được chuẩn bị từ trước khi thực hiện lễ hạ huyết để đảm bảo đúng giờ tốt. Giờ này rất quan trọng vì người xưa cho rằng nếu chôn phải giờ “đại kỵ” sẽ dẫn đến “đại họa” cho gia quyến họ hàng dòng tộc.
Lúc hạ huyệt, con trai trưởng thường là người lấp từng nắm đất đầu tiên, sau đó là các anh em, con cháu, để thể hiện tình cảm và lòng tri ân đối với người đã mất. Tuy nhiên, ở một số nơi việc này không quan trọng lắm, miễn sao ngôi mộ yên là được.
Nếu người quá cố được an táng vĩnh viễn, mộ sẽ được xây dựng chắc chắn bằng “quách”, “lăng” để đảm bảo sự tôn trọng và độ bền của nó. Trong trường hợp chôn cất theo tục cải táng, mộ sẽ chỉ đắp vừa đủ sao cho dễ dàng cho việc “cải táng” sau này. Khi thực hiện lễ hạ huyệt cũng cần chuẩn bị đồ cúng, hoa quả, “tam sanh”, “nước ngũ vị hương” và các lễ vật như bình thường.
Sau khi hoàn tất đám tang, đoàn người tham dự phải đi về bằng một con đường khác so với lúc khi đi đến nơi an táng. Điều này được coi là cách giúp cho hồn người đã mất tìm đường về nơi an nghỉ cuối cùng một cách dễ dàng. Đồng thời, dù người tham dự có đau buồn đ chăng nữa thì cũng không nên khóc nữa vì như vậy có thể làm khó hồn người quá cố trong việc siêu thoát.
Ngày nay, nhiều người thường chọn nghĩa trang làm nơi an nghỉ cuối cùng cho người thân đã mất. Việc này giúp cho quá trình chôn cất trở nên thuận tiện và trang trọng hơn.
Tuy nhiên, không vì thế mà ý nghĩa của việc đắp mộ cho người quá cố bị giảm sút. Đó vẫn là một nghi lễ quan trọng và mang đầy đủ giá trị văn hóa như trước.
13. Rước vong về thờ
Sau khi an táng, hình ảnh của người đã mất sẽ được đưa về nhà và đặt trên bàn thờ vong. Tại đây, người nhà sẽ được thầy cúng hướng dẫn bày bố vật cúng, trang trí với hương khói và đèn nhang hàng ngày, cúng những thứ tương ứng với các nhu cầu và mong muốn của gia chủ.
Việc thờ cúng này thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với người đã mất. Khi hoàn tất việc rước lư hương (cúng vọng) về thì gia đình đã hoàn tất việc tổ chức đám tang cho người thân. Tuy nhiên, sau đó còn rất nhiều nghi thức khác nữa để hoàn tất việc tiễn đưa người chết sang thế giới bên kia.
14. Mở cửa mã
Sau ba ngày tính từ khi tiến hành hạ huyết trong đám tang người chết thì nghi thức tiếp theo là mở cửa mã. Lễ này cũng cần nhờ thầy cúng và chuẩn bị hương hoa, bánh trái, vàng mã.
Một số nghi thức tâm linh quan trọng sau đám tang
Trong văn hóa của người Việt Nam, quá trình tang lễ và cúng cơm cho người quá cố không chỉ là những nghi lễ mà còn là những truyền thống cúng bái đặc trưng của dân tộc. Sau đây là mô tả chi tiết về các nghi thức cúng cơm quan trọng:
Lễ cúng tuần đầu:
Ngay sau tang lễ, trong tuần đầu tiên, gia đình của người quá cố sẽ tiến hành lễ cúng tại nhà, thường là vào ngày rằm hoặc mùng một đầu tiên sau khi chết. Lễ cúng tuần đầu này không quy định số ngày, nhưng thường được coi là giai đoạn đầu tiên trong quá trình cúng cơm cho người quá cố.
Lễ cúng 49 ngày:
Sau 49 ngày kể từ ngày tang lễ, con cháu của người quá cố sẽ tổ chức lễ cúng tại nhà hoặc trên mộ. Nếu muốn, họ cũng có thể rước vong linh lên chùa để cúng tại đó. Ngoài ra, lễ cúng 49 ngày cũng có thể được tổ chức tại chùa hoặc đền thờ.
Lễ cúng 100 ngày:
Trong suốt vòng 100 ngày kể từ ngày tang lễ, gia đình và con cháu của người quá cố sẽ cúng cơm mỗi ngày hai bữa trưa, chiều. Lễ cúng 100 ngày thường được tổ chức lớn hơn lễ cúng 49 ngày và cũng được coi là giai đoạn cuối cùng trong quá trình cúng cơm cho người quá cố. Sau khi kết thúc lễ cúng 100 ngày, người thân không phải cúng cơm nữa, nhưng người quá cố vẫn được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên.
Lễ giỗ đầu Hàng năm:
Vào ngày mất của người quá cố, gia đình và con cháu sẽ tổ chức lễ giỗ Tổ tiên và thân nhân của mình. Trong đó, lễ giỗ đầu được coi là rất quan trọng và thường được tổ chức long trọng. Lễ cúng sẽ bao gồm những món ăn mà người quá cố thích khi còn sống.
Lưu ý trong đám tang con cháu cần nhớ:
Người thân cần tổ chức thờ cúng và chọn lựa cách an táng phù hợp để vừa đảm bảo các nghi thức tôn giáo, vừa phù hợp với tài chính của gia đình. Hiện nay, các hình thức an táng phổ biến ở Việt Nam bao gồm: an táng đất, an táng nước, an táng tro cốt, cải táng và hỏa táng.
Việc mất đi một người thân là một điều rất đau đớn đối với gia đình. Do đó, trong quá trình tổ chức tang lễ và cúng lễ, người thân cần có sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua nỗi đau và giúp đỡ những người khác trong gia đình.
Kết luận
Phong tục tang ma ở Việt Nam là một truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt nhằm giúp người mất có thể ra đi thanh thản và an nghỉ. Do đó nghi thức tang lễ cần được chuẩn bị cẩn thận, trang nghiêm và chu toàn nhất.
Đây là các phong tục thường sử dụng cho hầu hết người Việt nhưng trừ một số gia đình theo tín ngưỡng tôn giáo khác thì có thể sẽ khác đi nhiều. Ví dụ: Người theo đạo Thiên chúa có thể đến nhà thờ để nhờ các Cha giúp đỡ, những người theo đạo Phật có thể đến chùa để nhờ các sư chỉ dẫn sẽ tốt hơn. Chúc bạn và gia đình luôn an lạc!
- Kèn trống đám ma: Tại sao đám ma lại đánh trống?
- Nghi thức và phong tục đám ma miền Nam
- Điếu văn là gì? Cách viết và đọc điếu văn hay, ý nghĩa
- Lời cảm tạ đám ma: Cách viết lời cảm tạ đám tang hay và ý nghĩa nhất.
- Lời khóc đám ma hay và ý nghĩa trong tang lễ
Tag: nghĩa hoa; hoa ngày; hoa sinh; viên miền; phong tục Việt Nam; nghĩa trang; đồi kim.